Giỏ hàng

Lễ hội Maslenitsa


Lễ hội Maslenitsa: Tuần lễ tiễn mùa đông của Nga

​            Lễ hội Maslenitsa là lễ hội truyền thống của người dân Nga được tổ chức hàng năm với ý nghĩa tiễn biệt mùa đông lạnh lẽo và thắp sang, mong chờ, chào đón mùa xuân ấp áp, hứa hẹn 1 mùa bội thu trở lại. Lễ hội thường được tổ chức vào cuối kì ăn chay của đạo Cơ Đốc (cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3), thường bắt đầu từ thứ hai và kết thúc vào ngày chủ nhật. Năm nay, lễ hội sẽ bắt đầu từ ngày 4 đến ngày 10 tháng 3. Các hoạt động chính của ngày lễ theo truyền thống - hình nộm của Maslenitsa, cưỡi xe trượt tuyết, hoạt động vui chơi lễ hội và tất nhiên, bánh blinui (блины) – là một loại bánh truyền thống có hình tròn, hồng hào, nóng, chúng thường có ý nghĩa nghi thức, bởi vì chúng là biểu tượng của mặt trời, tượng trưng cho sự phát triển rực rỡ và lâu dài.

Lễ hội có nguồn gốc lâu đời từ thời kỳ nông nghiệp phát triển nhất tại Nga, vào mùa đông, người nông dân không thể trồng cấy trong giá lạnh và băng tuyết, nên sau một mùa đông dài lạnh băng, lễ hội có ý nghĩa như lễ hội cầu mưa ở nhiều nơi trên thế giới.

 Tên gọi Maslenitsa (có nghĩa gốc bắt nguồn từ chữ “bơ”) bắt nguồn từ việc vào tuần lễ cuối cùng trước kỳ ăn chay của người Cơ Đốc giáo, mọi người được phép ăn các món từ sữa, cá, cũng như sử dụng bơ và các loại dầu ăn…

 Có lẽ bánh blinui (блины) đã trở thành là một phần của nghi thức lễ hội, vì ngày thứ 7 trước lễ hội Maslenitsa là “ngày của sự kính trọng” - người Slav (người Nga cổ) thể hiện tôn kính bằng cả linh hồn với tổ tiên.

Nhiều thế kỷ trôi qua, cuộc sống thay đổi, với sự tiếp nhận Kitô giáo ở Nga, những lễ hội tôn giáo thêm đa dạng, nhưng Maslenitsa vẫm giữ vững truyền thống từ xa xưa.

Tuần lễ Maslenitsa được chia thành hai phần. Nửa đầu là tiểu lễ Maslenitsa kéo dài từ thứ hai đến thứ tư. Nửa sau là đại lễ Maslenitsa kéo dài từ thứ năm cho tới chủ nhật. Mỗi ngày lễ trong tuần lễ Maslenitsa đều có chủ đề riêng.

Ngày thứ hai: “Gặp gỡ” - ngày này các cô con dâu sẽ về nhà bố mẹ. Buổi chiều, ông bà thông gia sẽ gặp nhau, hai bên hẹn ngày gặp và thời gian cùng đi chơi với họ hàng. Cũng trong ngày này, những ngọn đồi tu‎yết, những cây đu, những điểm vui chơi được dựng lên. Nhà nhà cùng bắt đầu nướng bánh blinui (một loại bánh giống như bánh xèo ở ta nhưng mềm hơn và ít dầu hơn) được làm từ sữa, bột mì, trứng. Và quan trọng nhất là dựng một hình nộm Maslenitsa lớn từ rơm rạ, quần áo và các vật dụng cũ.

Ngày thứ ba: “Vui chơi” - Nam nữ thanh niên rủ nhau đi lên đồi trượt tuyết, ăn bánh blin từ sáng sớm. Ngày này cũng được gọi là ngày gặp gỡ.

Ngày thứ tư: “Ăn uống” - trong ngày này, mẹ vợ sẽ mời các chàng rể cùng vợ tới nhà dùng bánh blinui. Phong tục này còn đặc biệt ý nghĩa đối với các đôi vợ chồng trẻ mới cưới, như thủ tục lại mặt ở Việt Nam.

Ngày thứ năm, thứ 6: “vui chơi lễ hội” - là ngày bắt đầu đại lễ Maslenitsa. Nếu trong ba ngày tiểu lễ, mọi người vẫn làm những công việc thường nhật thì kể từ ngày này mọi hoạt động đều được tạm dừng. Chỉ có vui chơi và lễ hội. Mọi người tham gia tất cả trò chơi mà mình có thể: từ cưỡi ngựa, đấu vật… cho đến ném tu‎yết, phá tuyết… Những trò chơi này mang ý nghĩa rũ bỏ mọi phần u ám trong năm trước, cũng như gỡ bỏ mọi mâu thuẫn, tăng sự gắn kết giữa mọi người.

Ngày thứ bảy: “Chị em chồng tụ họp” - ngày cô con dâu sẽ cùng chồng thăm các chị em gái bên chồng. Tùy xem chị em chồng đã có gia đình hay chưa mà cô dâu có thể rủ theo các bạn gái đã có hoặc chưa có gia đình của mình cùng đi.

Tất nhiên, điểm nhấn của tuần lễ vẫn là chủ nhật - ngày “Tiễn mùa đông” ngày của sự xá tội, thứ tha. Trong ngày này, mọi người vui chơi, gặp gỡ, chúc mừng nhau ngày lễ và mong tha thứ cho những điều chưa tốt trong năm. Mọi người sẽ cùng tập trung và nổi lửa đốt cháy hình nộm Maslenitsa, nhằm xua đi cái lạnh của mùa đông. Đón mùa xuân ấm áp quay về.

Lễ hội Maslenitsa hiện nay tuy đã có nhiều thay đổi phù hợp với cuộc sống hiện đại, nhưng linh hồn của lễ hội vẫn không thay đổi và gìn giữ được truyền thống từ xa xưa. Những chiếc bánh blin thơm ngon, tròn, nóng hổi tượng trưng cho mặt trời và hứa hẹn một mùa xuân ấm áp đang tới.

Những chiếc bánh blin truyền thống thường được dùng kèm với bơ, trứng cá, cá muối, thịt gà, hay dùng chung với mứt hoa quả, hoặc mật ong. Và vẫn luôn giữ vững tinh thần “không có bánh blin thì không phải là Maslenitsa”.

Trong thời gian diễn ra lễ hội, ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ nước Nga, trên những quảng trường hay khu dân cơ, trường học, hay khoảng rừng bạch dương bao la, bạn đều có thể gặp hình ảnh mọi người nắm tay nhau thành vòng tròn nhảy múa, hát ca, vui chơi những trò chơi dân gian quanh hình nộm đang cháy.